Lễ hội Đền Đô

29/11/2016 14:49 Số lượt xem: 32279

          Đền Đô ở làng Đình Bảng, hương Cổ Pháp xưa, nay thuộc thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) đã đi vào lịch sử dân tộc như một trong những địa phương tiêu biểu của quê hương Kinh Bắc. Đây là quê hương nhà Lý-triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt. Đặc biệt, Đình Bảng còn là một làng cách mạng tiêu biểu. Là nơi hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ… Trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nơi ra đời bản chỉ thị lịch sử: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”...

            Xưa kia, Lễ hội đền Đô được tổ chức hàng năm theo cổ lệ vào ngày 15-3 (âm lịch), kéo liền trong 4 ngày: 14,15,16,17-3 (nay tổ chức gọn lại trong 3 ngày 14,15,16-3 và chính hội là ngày 15-3. Tương truyền, đó là lễ hội kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang (15-3 năm Canh Tuất - 1010). Ngày ấy tốt lành, chính Ngọ đắc tâm linh, Lý Thái Tổ làm lễ tế trời, đặt niên hiệu Thuận Thiên mong Thiên hạ thái bình, Người ban Chiếu dời đô. Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ xa xưa, một tục lệ hết sức quan trọng của người dân Đình Bảng. Sôi động cả vùng Kinh Bắc, đến cả Thăng Long - Hà Nội và các tỉnh bạn.

            Phần lễ khai hội là phần rất quan trọng, lễ bắt đầu của sự may mắn cho cả cộng đồng, cho nên mọi hành vi, lời ăn, tiếng nói đều được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Trong nghi thức tế lễ có lễ “Túc Yết” - đây là nghi thức rước Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái hậu Phạm Thị, người đã có công sinh thành ra Lý Thái Tổ. Nghi thức này còn được hiểu là lễ báo hiếu, lễ rước Thánh Mẫu về dự đại lễ của con. Lễ rước được tổ chức từ 13h30 ngày 13-3 (âm lịch), từ Đền Đô đến đình nơi thờ Thành Hoàng và Lục tổ, những vị đứng đầu sáu dòng họ có công lập làng vào thế kỷ XV, qua chùa Kim Đài, chùa thờ Pháp sư Định Không, ông tổ thứ sáu của Phật giáo, rồi đến chùa Cổ Pháp làm lễ tưởng niệm Lý Thánh Mẫu ở đây. Lễ rước Lý Bát Đế của lễ hội được rước sang chùa Cổ Pháp sau một ngày, chiều 14-3 để đêm 14 tụng kinh nhà Phật và chuẩn bị mọi nghi thức để sáng 15 rước linh bài về đền Đô. Lễ rước trong lễ hội đền Đô được miêu tả “Tám cỗ kiệu trang hoàng lộng lẫy được rước từ đền Đô lên chùa Cổ Pháp để nghe tăng ni tụng kinh, rồi lại rước về chỗ. Kiệu của Lý Chiêu Hoàng không được rước, phải khiêng ra đặt ở trước điện thờ để bà nghênh đón kiệu của tám vua”. Trong lễ hội đền Đô có hoạt động múa rồng, đây là hoạt động mang tính đặc trưng tiêu biểu của lễ hội, thể hiện hùng khí Thăng Long-biểu trưng của sự thăng tiến, niềm mơ ước của cư dân trồng lúa nước. Tiếp theo là nghi thức Đại tế. Tế lễ là một loạt các động tác và hành vi nhằm biểu hiện sự tôn kính tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị Vua Lý. Trong không khí linh thiêng, đám tế thay mặt cho dân làng cầu mong sự che chở và ban niềm tin cho họ để họ có một sức mạnh phi thường, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Lễ hội đền Đô xưa kia thường được rước đủ tám kiệu, nhưng vì tốn nhiều công sức, tiền bạc, nên ngày nay chỉ tổ chức rước hai kiệu có ý nghĩa tượng trưng.

           Lễ và hội là một thể thống nhất không thể tách rời. Nếu phần lễ là phần tín ngưỡng, là phần của thế giới tâm linh; thì phần hội là phần tập hợp vui chơi giải trí, đó là đời sống văn hóa thường nhật mà chỉ có trong những dịp này nhân dân mới có điều kiện thể hiện khả năng sẵn có, hoặc luyện tập của mình. Đặc biệt, ở đó thể hiện sự đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống, với các trò chơi truyền thống văn hóa hấp dẫn mang bản sắc dân tộc. Ở lễ hội đền Đô có các hoạt động, như đấu vật, chơi cờ người, hát quan họ, hội thơ, chơi đu, thả chim bồ câu, chơi chọi gà, thi nấu cơm niêu đất...Đấu vật là một trò chơi thượng võ trong lễ hội. Tương truyền các triều đại nhà Lý rất khuyến khích trò này, vì thế trong các cuộc thi võ và tuyển chọn võ tướng cho triều đình đều có môn vật. Đấu vật có thể coi là một hoạt động bằng sức lực là chủ yếu, tuy nhiên trong đó còn hàm chứa cả sự khéo léo tinh khôn. Đây cũng là một hình thức thi tài dành cho nam giới. Hội đấu vật ở hội đền Đô hội tụ được nhiều đô vật ở các tỉnh phía Bắc. Các đô vật gặp nhau với những trận đấu hăng say, quyết liệt, nhưng không thô bạo, mà rất uyển chuyển, kể cả khi "vào miếng", "đấu miếng" và "phá miếng". Hội thi vật thường làm không khí của hội thêm tưng bừng. Bởi, không những các keo vật hay, mà còn có tiếng chiêng, trống, sự cổ vũ nhiệt tình của người xem.

         Trong các lễ hội ở xứ Bắc, cờ tướng luôn là một trò chơi phổ biến. Ở đền Đô cũng không ngoại lệ và là trò chơi được lưu tâm gọi là cờ người. Cờ người có gốc từ cờ tướng, vẫn những bước đi, thể thức chơi giống nhau, nhưng khác nhau ở chỗ quân cờ do con người đóng, thay thế quân cờ gỗ, những người đóng làm quân cờ mặc quần áo, đội mũ, đi hia được may bằng vải đẹp. Trong ngày hội, cuộc đấu cờ thường thu hút được những người lớn tuổi. Cờ tướng trong lễ hội đền Đô có nhiều nét độc đáo, nó không chỉ là trò chơi giải trí đơn thuần, mà còn có thể nói là sự tổng hợp của lý trí, mưu lược,.... Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội đền ẩn chứa trong đó hai yếu tố chính: Một là, bày tỏ tấm lòng thành kính và tưởng nhớ đến những người có công với dân tộc nêu cao truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Hai là, cầu phúc, bày tỏ ước vọng về một sự tốt đẹp, thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thông qua ngày hội, những hoạt động vốn là nghệ thuật hoặc nghi thức nay được nâng cao để lễ vua. Lễ hội đền Đô là nơi tập trung tư tưởng, tâm lý của nhân dân với lòng thành kính những bậc có công với nước, đáp ứng nhu cầu của con người trở về với cội nguồn, hòa mình với thiên nhiên, tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc. Việc suy tôn, tôn thờ một biểu tượng có sức mạnh bảo vệ cộng đồng, đó là bát vị Tiên vương nhà Lý, được thể hiện tập trung trong các nghi thức lễ của ngày hội. Các nghi lễ được thể chế hóa, thành trật tự thể hiện mối quan hệ giữa con người với thần linh, giữa con người với con người, thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn vinh các vị Đế Vương.

         Lễ hội đền Đô nói riêng và các lễ hội nói chung là biểu trưng của  một bảo tàng về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tập trung nhiều phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử quan trọng của dân tộc. Lễ hội đã, đang và sẽ tác động sâu sắc vào tâm linh, tính cách và đời sống của nhân dân.

Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ