Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 30 ngày 29/11/2023 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở trong cơ quan của Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm qua, việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở đã được cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, còn có một số tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở, Chỉ thị nhấn mạnh: Các cấp ủy, tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, văn hóa công sở; thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 71-NQ/TU, ngày 2-8-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm Nghị quyết số 87-NQ/TU, ngày 15-3-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”… Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có Công điện số 968 - CĐ/TTg, ngày 16-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước.
Xây dựng đạo đức công vụ thực chất là đưa văn hóa vào trong chính trị cũng như làm cho văn hóa lan tỏa, thấm sâu trong các quan hệ và hoạt động công vụ, từ đó làm cho việc sử dụng quyền lực và hoạt động công vụ thật sự vì lợi ích của nhân dân, bởi đạo đức công vụ là những giá trị, chuẩn mực, tiêu chuẩn mà cán bộ, công chức cần phải tuân thủ trong quá trình thực thi nhiệm vụ nhằm duy trì và thực hiện tốt lợi ích công. Mục tiêu của hoạt động công vụ là phục vụ nhân dân. Công chức, viên chức là nguồn lực cơ bản của nền hành chính nhà nước, của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, cũng là lực lượng chủ yếu thực hiện hoạt động công vụ của Nhà nước ta.
Các quốc gia đạt tới sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt đều trên cơ sở xây dựng được một nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, trong sạch, bởi đây chính là nền tảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm việc phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Quá trình xây dựng nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp là quá trình xây dựng văn hóa công vụ, xây dựng những giá trị cơ bản của công chức trong thực thi công vụ, như cần, kiệm, liêm, chính... Đối với Việt Nam, ngay từ khi thành lập nước năm 1945, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước và nền công vụ nước ta coi là “cái nền”, “cái gốc” của đội ngũ cán bộ, công chức và được gói gọn trong 4 chữ “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, suy rộng ra là “nhân, nghĩa, trí, dũng, tín”. Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức là công việc thường xuyên, lâu dài, là một đòi hỏi tất yếu và đòi hỏi sự tham gia tích cực không chỉ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn của các cấp, các ngành cũng như của toàn thể nhân dân, không những thế cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp mang lại giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người, tạo điều kiện cho các giá trị đạo đức phát triển và ngăn ngừa, hạn chế sự sa sút, suy thoái đạo đức.
Bồi dưỡng và nâng cao đạo đức công vụ trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời là sự nỗ lực chung của các tổ chức đoàn thể trong xã hội. Nâng cao đạo đức công vụ là công việc thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự tham gia tích cực không chỉ của cán bộ, công chức, viên chức mà của toàn thể nhân dân. Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và xã hội, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ mới mà cách mạng đặt ra trong giai đoạn mới hiện nay.