Hội nghị tập huấn về dự án chuyển đổi IPv6
Chiều ngày 21/3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với UBND thành tổ chức Hội nghị tập huấn về dự án chuyển đổi IPv6 cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố. Tham dự lớp tập huấn có đại diện Sở TTTT tỉnh, cán bộ phụ trách Công nghệ thông tin các phòng, ban chuyên môn và 12 phường.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu được giới thiệu tổng quan về hiện trạng ứng dụng IPv6, DNS cũng như về sự cần thiết, vai trò, lộ trình, cấu trúc, công nghệ chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giới thiệu chuyên sâu về IPv6 trên hệ điều hành, thiết bị mạng và hướng dẫn đăng ký tài nguyên địa chỉ và số hiệu mạng...
Tháng 12-2020, UBND tỉnh có Quyết định Phê duyệt Đề án chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước, phục vụ việc phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phấn đấu đến đầu năm 2023, toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi để hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 (tương thích với công nghệ IPv6). Đưa các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước phục vụ cho việc phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh của tỉnh bảo đảm các yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng và đi đúng xu hướng công nghệ toàn cầu.
Việc chuyển đổi sang IPv6 được đánh giá là giải pháp phát triển bền vững cho các doanh nghiệp khi tiến vào kỷ nguyên 5G, kết nối internet vạn vật IoT, điện toán đám mây (cloud), thúc đẩy phát triển các công nghệ, nền tảng phục vụ chuyển đổi số... Bên cạnh đó, các dịch vụ mới như: Phương tiện giao thông tự lái, tự động hóa công nghiệp, thực tế ảo VR, chăm sóc sức khỏe thông minh, cloud… đều đòi hỏi yêu cầu kết nối lớn, chất lượng cao và nhanh hơn, có yêu cầu cao hơn về tự động hóa mạng, trí thông minh và việc kết nối dự đoán trải nghiệm người dùng. Đối với những yêu cầu đó, IPv6 đáp ứng đủ đặc tính cần thiết để kết hợp thêm với các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo (Al). Sự kết hợp này nhằm tạo ra các mạng IP thông minh thế hệ mới cho kỷ nguyên 5G và đám mây (ngôn ngữ công nghệ gọi là mạng “IPv6 +”), với sự đột phá như: tự động tối ưu định tuyến, dịch vụ; tự động vận hành và bảo dưỡng; tự động tối ưu hóa chất lượng, đảm bảo SLA, nhận thức về ứng dụng…
Tài liệu tập huấn chi tiết tại đây
Tài liệu tập huấn chi tiết tại đây